Tên tiếng Hán: 中药材防风
Tên dùng trong đơn thuốc: Phòng phong, Thanh phòng phong, Sao phòng phong, phòng phong than.
Phần cho vào thuốc: Rễ
Bào chế: Bỏ sạch lông bờm trên đầu cuống, phun nước cho mềm, thái phiến, phơi khô, dùng sống hoặc sao lên dùng.
Tinh vị quy kinh: Phòng phong vị cay, ngọt tính hơi ôn. Vào ba kinh can, đại tràng, tam tiêu.
Công dụng: Khử phong thắng thấp, phát hãn giải biểu.
Chủ trị:
- Chữa phong toàn thân, phòng chống phong còn ở ngoài (ngoại phong), xương khớp khắp người đau nhức.
- Chữa phong thiên về tý (tê) thuộc hàn thấp, vì thuốc phong có thể thắng thấp, cay ôn có thể tán hàn, chủ yếu là dùng để chữa phong tý do phong tà cảm nhiễm ở ngoài.
Ứng dụng và phân biệt:
- Phòng phong, Khương hoạt đều là vị thuốc chủ yếu chữa phong tà, Phòng phong tính hoãn, khương hoạt tính mạnh. Phòng phong chủ trị về phong toàn thân. Khương hoạt chủ trị về phong ở từng chỗ (cục bộ)
- Quế chi cũng có thể chữa sợ gió, nhưng Quế chi chủ chữa về sợ gió, lạnh ở sau lưng. Phòng phong chủ chữa về sợ gió bất cứ chỗ nào trên người
- Phòng phong tả biểu, hoàng kỳ thì cố biểu (giữ kín lỗ chân lông để không ra mồ hôi). Hoàng kỳ sợ Phòng phong. Vây mà khi cùng dùng với phòng phong thì công càng lớn. Đó là tương úy mà tương sử
Kiêng kỵ: Huyết hư co cứng, âm hư, ra mồ hôi trộm, dương hư tự ra mồ hôi, đều kiêng, không được dùng. Đàn bà sau khi đẻ, trẻ nhỏ sau khi đi tả tỳ hư co giật, nhất thiết phải cấm dùng.
Liều lượng: một đồng cân đến ba đồng cân.
Bài thuốc ví dụ: Bài Ngọc Bình phong tán (Thế y đắc hiệu phương) chữa phong tà ở lại mãi không tan và phần vệ (vệ khí – phần biểu) hư ra mồ hôi không dứt được.
Phòng phong, Hoàng kỳ, Bạch truật, cùng tán nhỏ, cho gừng, táo vào sắc nước uống.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam