Tên tiếng Hán: 蒼耳子
Tên dùng trong bài thuốc: Thương nhĩ tử.
Phần cho vào thuốc: Quả.
Bào chế: Chọn sạch tạp chất, sao vàng thám, sát bỏ hết gai, sẩy sạch là được.
Tính vị quy kinh: Vị ngọt tính ôn, vào hai kinh phế, tỳ.
Công dụng: Trừ phong phát hãn, tiết phong chỉ thống, giải độc nhọt đầu đinh (mụn nhọt).
Chủ trị:
- Chất Thương nhĩ tử nhẹ, mà nhẹ thì hay đi lên, chữa nhức đầu chảy nước mũi (do viêm xoang hoặc trĩ mũi – Tỵ uyên), phát hãn ở bì phu.
- Có thể chữa chứng tý đau nhức do phong tà xâm phạm vào cơ biểu.
- Cây thương nhĩ nấu thành cao có thể chữa nhọt đầu đinh và hủi (cùi – Đại ma phong).
Ứng dụng và phân biệt:
- Người nhức đầu thiên về phong hàn phần nhiều dùng Bạch chỉ, nhức đầu thỉên về phong nhiệt phần nhiều dùng Thương nhĩ tử.
- Thương nhĩ trùng là một loài ký sinh trùng ở giữa nhánh và cành cây thương nhĩ. Vào mùa thu đông, lá thương nhĩ rụng, nếu chỗ cành nhánh cố lỗ nhỏ, chắc chắn có từ một đến hơn mười con ấu trùng ở đó, bắt chúng bỏ vào trong một bình đựng sẵn dầu vừng để sau đó sử dụng có thể chữa các nhọt độc rất công hiệu,
Kiêng kỵ: Thương nhĩ tử sơ thông bài tiết phong tà ở ngoài, không được dùng để trấn yên phong tà nội động (từ trong bốc lên), Có thể chữa nhức đầu do thương phong, chứ không chữa được thiên đầu thống thuộc chứng hư.
Liều lượng: Một đồng cân rưỡi đến hai đồng cân.
Bài thuốc ví dụ: Bài Thương nhĩ tán (Chứng trị chuẩn thằng) chữa nước mũi đục chảy không ngớt.
Thương nhĩ tử, Tân di, Bạch chỉ, Bạc hà, tán nhỏ, uống với nước hành, trà sau bữa ấn.
Tham khảo: Các loại quả hột đều đi xuống, duy chỉ có Màn kinh tử với Thương nhĩ tử là đi lên.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam