Tên tiếng Hán: 桑螵蛸
Tên dùng trong đơn thuốc: Tang phiêu tiêu.
Phần cho vào thuốc: Tổ Trứng của con bọ ngựa trên cây dâu.
Bào chế: Sau khi thu lượm được, cho vào chõ (lồng hấp) hấp lên hoặc sấy qua lửa 30 phút, chọn bỏ đi những cành nhánh lẫn vào, trích để dùng
Tính vị quy kinh: Vị ngọt, mặn, tính bình. Vào hai kinh can, thận.
Công dụng: Ích thận cố tinh.
Chủ trị: Tang phiêu tiêu chữa di tinh, đái dầm, đái són, đi đái nhiều.
Ứng dụng và phân biệt: Về cây dâu, phần cho vào thuốc có mấy loại: Tang diệp là lá dâu chủ thanh nhiệt giải biểu. Tang chỉ là cành non của cây dâu, chủ yếu về thông lợi các đốt khớp xương (quan tiết). Tang thầm là quả dâu chủ yếu về bổ thận dưỡng huyết. Tang ký sinh là cành lá tầm gửi sống trên cây dâu chủ yểu về an thai ích phần dinh. Tang bạch bì là lớp vỏ trong màu trắng (sau khi cạo hết vỏ đỏ) của rễ cây dâu, chủ yếu về tả phế hành thủy. Tang phiêu tiêu là trứng của con bọ ngựa đẻ trên cành dâu, lâu ngày trứng đông cứng lại là được, chủ yếu về thận hư di tinh. Còn có Tang sài hỏa là dùng cành dâu đốt lửa chủ yếu chữa ung nhọt, hậu bối không mọc lên được, thịt tụ lại không tiêu nát được, và mụn nhọt (liêm sang) ở bắp chân chảy nước vàng đặc như đờm hay bã đậu (lưu đàm), lấy nắm cành dâu đốt lên rồi thổi tắt, xông vào chỗ đó mỗi ngày hai lần nhọt chưa vỡ thì tiêu độc, đã vỡ thì lên da non. Phàm các loại cao thuốc bổ đều nên dùng củi cành dâu để nấu, hiệu quả điều trị sẽ tăng cao.
Kiêng kỵ: Âm hư hỏa vượng, bàng quang có nhiệt, đi đái xẻn, đái nhắt thì kiêng dùng.
Liều lượng: 1 đồng cân đến 3 đồng cân.
Bài thuốc ví dụ: Bài Tang phiêu tiêu tán (Khấu Tôn Bật phương) chữa đi đái luôn.
Tham khảo: Tang phiêu tiêu, Viễn chi, Thạch xương bồ, Nhân sâm, Phục thần, Đương quy, Long cốt, Quy bản, các vị tán nhỏ, uống với nước Nhân sâm làm thang.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam