Tên tiếng Hán: 飴糖
Tên dùng trong đơn thuốc: Di đường, Giao di, mạch nha.
Bào chế: Dùng đường mật để nguyên chất, hoặc đun xém lên dùng, hòa vào với thuốc sắc mà uống.
Tính vị quy kinh: Vị ngọt, tính ôn, Vào hai kinh: tỳ, phế.
Công dụng: Bổ tỳ vị, khỏi đau, bổ hư, làm giảm chứng cấp.
Chủ trị: Di đường (mạch nha) chữa khí tỳ vị hư đau bụng, vị quản đau râm ran và hư lao, lý cấp (mót đi đại tiện mà không đi được).
Ứng dụng và phân biệt: Vị thuốc này được làm bằng thóc và lúa mạch. Thóc và lúa mạch vốn là thứ dùng cho tỳ vị, vị ngọt hoãn được cấp, hoãn trưng khí, là vị thuốc chủ yếu chữa tỳ vị hư gây đau.
Điều trị chủ yếu của Thược dược là đầy đau, mà bệnh thì co cứng do gan. Điều trị chủ yếu của kẹo mạch nha là đau cấp, mà bệnh do tỳ trung hư, Vị thuốc này còn chữa đau dữ dội cấp tính như Cam thảo, song Cam thảo tính bình, thường chữa các bệnh ở biểu và lý. Còn vị thuốc này tính ôn chỉ chữa tỳ vị hư gây đau.
Kiêng kỵ: Nếu có thấp nhiệt nội uất và các chứng đau do ăn uống trở trệ thì cấm dùng.
Liều lượng: Từ 3 đồng cân đến 1 lạng, từ 1 thìa đến 2 thìa,
Bài thuốc ví dụ: Bài Tiểu kiến trung thang (Kim Quy yếu lược phương) chữa hư lao lý cấp, hồi hộp, sợ hãi, đổ máu cam, đau bụng, mộng tinh, chân tay đau ê ẩm, phiền nhiệt họng khô miệng ráo.
Quế chi (hoặc đổi dùng Nhục quế tán bột hòa uống) Thược dược, trích Cam thảo, Sinh khương, Đại táo, Giao di (kẹo nha), tất cả gồm 6 vị, lấy 5 vị sắc lên bỏ bã, rồi mới cho kẹo nha vào đun nhỏ lửa cho tan ra, chia làm ba lần, uống ấm.