Tên tiếng Hán: 西洋参
Tên dùng trong đơn thuốc: Tây dương sâm.
Phần cho vào thuốc: Củ.
Bào chế: Thái phiến dùng sống, cho vào thuốc thì sắc riêng nước sâm rồi hòa với thuốc mà uống, hoặc tán bột để uống.
Tính vị quy kinh: Vị đắng, hơi ngọt, tính hàn. Vào hai kinh phế, vị.
Công dụng: Sinh tân dịch, thanh hỏa ở phế, dưỡng chân âm ở phế và vị.
Chủ trị: Tây dương sâm chữa phế hư, ho lao, tân dịch ở vị bị khô, cùng với răng đau do hư nhiệt và âm hư khô miệng khát nước.
Ứng dụng và phân biệt:
- Loại sâm này giống như sâm ở Liêu ninh nhưng nhỏ, dùng loại màu trắng chất nhẹ là tốt thoạt đầu nhai thì đắng, dần dần thấy ngọt, miệng cảm thấy mát dịu, nước bọt nhiều lên. Đại khái là chân âm ở phế vị hư nhược có hỏa mà thiếu tân dịch thì nên dùng Tây dương sâm. Chân khí ở phế vị hư nhược không sinh ra được tân dịch thì nên dùng Lộ đảng sâm. Tây dương sâm là vị thuốc đắng hàn tả hỏa, Lộ đảng sâm là vị thuốc ngọt bình bộ khí.
- Tây dương sâm trồng ở châu Mỹ. Tây dương sâm thật chất nhẹ, thái phiến ra, lớp vân ở trong có mắt vân tâm hoa cúc nhỏ bé. Tây dương sâm giả chất nặng, thái phiến có vân nhiều lõi, không có mắt vân của tâm hoa cúc, cũng không có mùi thơm mát.
Kiêng kỵ: Nếu tỳ vị hư dương suy, vị có thấp trọc thì cấm dùng.
Liều lượng: 8 phân đến 1,5 đồng cân.
Bài thuốc ví dụ: Tây dương sâm phần nhiều chỉ dùng riêng một vị, hãm uống thay trà, hoặc bài Bạch hổ thang gia Nhân sâm, có khi không dùng Nhân sâm mà lại thay bằng Tây dương sâm, để lấy cái hiệu lực khổ hàn tả hỏa mạnh hơn.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam