Tên tiếng Hán: Sinh địa 生地, thục địa 熟地
Tên dùng trong đơn thuốc: Địa hoàng, Sinh địa hoàng, Can địa hoàng, Thục địa hoàng, Sinh địa, Tế sinh địa, Đại sinh địa, Tiên sinh địa, Cửu chưng thục địa sa nhân mạt bạn (Thục địa chín lần chưng – hấp trộn với bột Sa nhân), Tiên sinh địa chấp (nước cốt Sinh địa tươi), Sao tùng thục địa (Thục địa sao khô rời), Địa hoàng thán (Thục địa sao cháy).
Phần cho vào thuốc: Củ.
Bào chế: Địa hoàng tươi, rửa sạch thái phiến để dùng, hoặc giã lọc nước cốt pha uống. Địa hoàng tươi sau khi đã phơi khô gọi là Sinh địa hoàng, rửa sạch thái phiến dùng, Sinh địa được nấu và phơi nhiều lần thì gọi là Thục địa hoàng, thái phiến, phần nhiều trộn với bột Sa nhân để dùng.
Tính vị quy kinh: Tiên sinh địa (Sinh địa tươi) vị đắng, hơi ngọt, tính rất lạnh. Sinh địa hoàng vị đắng, ngọt, tính lành. Thục địa hoàng vị ngọt, tính hơi ôn. Tiên địa hoàng vào bốn kinh: tâm, can, thận, vị, Sinh địa hoàng và Thục địa hoàng đều vào ba kinh: tâm, can, thận.
Cộng dụng: Tiên địa hoàng thanh hỏa lương huyết, Sinh địa hoàng tư âm thanh huyết, Thục địa hoàng bổ thận âm, sinh tinh huyết.
Chủ trị: Sinh địa hoàng chữa ôn tà làm khô tân dịch, lưỡi khô đỏ, thổ huyết, chảy máu cam, Sinh địa hoàng chữa bệnh nhiệt, tân dịch bị khô và thiếu, thổ huyết, chảy máu cam, đại tiện, tiểu tiện ra máu. Thục địa hoàng chữa lưng, đầu gối mỏi, gót chân đau nhũn, kinh nguyệt không đều, băng huyết rong huyết và bệnh ở hạ tiêu. Làm đen được râu và tóc.
Ứng dụng và phân biệt: Địa hoàng tươi vị ngọt nước dịch nhiều, màu trắng, chất tuy nặng mà khí trong (thanh) chuyên về thanh hỏa lương huyết, nếu nhiệt tà làm khô phần dính ở trong, vị âm (chân âm ở vị) sắp kiệt, dùng thì thích hợp. Vì mang nhiều thủy phần, nên lương huyết, sinh tân dịch, công hiệu hay hơn Sinh địa hoàng. Sinh địa hoàng thì tư âm thanh huyết, công năng hay hơn Tiên địa hoàng, vả lại không lạnh không béo ngấy, là vị thuốc loại một bình bổ âm hư và huyết hư tổn. Sinh địa hoàng tính hàn mà mát, người huyết nhiệt thì nên dùng. Sinh địa đã nấu chín (Thục địa) ôn mà bổ, âm hư thì nên dùng, vả lại một mình vào thẳng được thận, là vị thuốc hàng đầu bồi trợ hạ nguyên.
Kiêng kỵ: Nếu tỳ vị nhược mà đại tiện đi lỏng thì phải kiêng Tiên địa hoàng. Nếu tỳ vị hư hạn và có thấp nhiệt thì cấm dùng sinh địa hoàng, còn dương hư mạch tế và có đờm thấp thì không thể dùng Thục địa hoàng.
Liều lượng: Tiên địa hoàng 5 đồng cân đến một lạng, nước cốt sinh địa hoàng có thể dùng 3-4 lạng, Sinh địa hoàng từ 3 đồng đến 6 đồng cân, Thục địa hoàng 3 đồng cân đến một lạng, khi dùng lượng lớn cả ba vị đều có thể cho từ một đến hai lạng.
Bài thuốc ví dụ: Bài Lục vị địa hoàng hoàn (Tiền ất phương) chữa đầu mặt choáng váng, cổ họng khô đau, miệng lưỡi nứt lở, lưng, đầu gối bủn nhủn, xương nóng trong, đau ê ẩm, đi đái nhắt, bí đái hoặc đi đái quá nhiều không kìm được, di tinh, mộng tiết tinh, ra mồ hôi trộm, đi đái ra máu, đái tháo (tiêu khát), phụ nữ kinh nguyệt không đều; trẻ em hư nhược sang độc.
Thục địa hoàng, Sơn du nhục, Hoài sơn khô, Mẫu đơn bì, Bạch phục linh, Trạch tả, cùng tán nhỏ, cho luyện với mật làm viên to như hạt ngô, uống vào lúc đói trước bữa ăn, làm thang bằng nước muối nhạt hoặc nước đun sôi 100 dạo (sôi lâu).
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam