Tên tiếng Hán: 土牛膝
Tên dùng trong đơn thuốc: Thổ ngưu tất, Tiên ngưu tất (ngưu tất tươi).
Phần cho vào thuốc: Rễ.
Bào chế: Lấy rễ tươi rửa sạch phơi khô.
Tính vị quy kinh: Thổ ngưu tất vị đắng, cay, tính hàn. Vào kinh vị.
Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, dẫn nhiệt đi xuống.
Chủ trị: Chữa cổ họng sưng đau, hầu nga, hầu phong (họng sưng đau a-mi-đan sưng đau, do phong nhiệt ngoại tà, hoặc hư hỏa bốc lên mà gây bệnh.
Ứng dụng và phân biệt: Có ba loại ngưu tất, đều về đi xuống. Do nơi trồng khác nhau, nên công dụng khác nhau. Xuyên ngưu tất trừ phong thấp và trị thấp nhiệt ở hạ tiêu, đùi chân tê đau. Hoài ngưu tất bổ can thận, chữa lưng, đầu gối (xương bánh chè) sưng đau, chân nhũn, gân co. Thổ ngưu tất giáng thực hỏa và chữa các chứng họng mọc mụn nhọt, thổ huyết.
Kiêng kỵ: Nếu chân khí hư nhược hạ hãm mà có hỏa thì cấm dùng.
Liều lượng: Hai đồng cân đến ba đồng cân. Giã lấy nước cốt thì có thể dùng từ một lạng đến hai lạng.
Bài thuốc ví dụ: Bài Cứu sinh hoàn (Kinh hiệu tế thế hoàn phương) chữa họng sưng, đau tắc lại, thậm chí luỗng loét ra. Thổ ngưu tất không kể nhiều ít, lấy mật ong trộn làm viên to như viên bi, mỗi lần ngậm một hai viên.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam