Tên tiếng Hán: 麝香
Tên dùng trong đơn thuốc: Xạ hương, Nguyên thốn hương, Đương môn tử.
Phần cho vào thuốc: Túi xạ (túi thơm) con xạ đực.
Bào chế: Bỏ da, lấy hương trong túi, cho vào lọ sành đậy kín, nghiền nhỏ để dùng
Tính vị quy kinh: Vị cay, tính ồn. Vào hai kinh tâm, tỳ, thông 12 đường kinh.
Công dụng: Xạ hương thông kinh lạc, khai thông mọi khiếu, tránh được uế khí, khỏi đau nhức.
Chủ trị: Trong uống chữa kinh giản (động kinh), mê man nói lảm nhảm, trúng phong quyết lạnh do đờm, vùng tâm và bụng đau dữ dội, dùng ngoài để chữa ung nhọt sưng tấy, bị gẫy, chấn thương đau nhức.
Ứng dụng và phân biệt:
- Vị thuốc thơm ngát cũng không bằng được Băng phiến, lại càng không bằng xạ hương. Băng phiến tuy thơm ngào ngạt nhưng nổi mà dễ tan, không bằng xạ hương trầm mà lặng lẽ đi xa. Vì Băng phiến ngửi gần thì thơm, để lâu thì mùi thơm, tan mất. Xạ hương ngửi gần không thơm, ngửi xa thì thơm, thơm lâu không tan, mùi thơm càng xa thì càng mát, không kém một mùi thơm nào, tiếc rằng vật đã hiếm giá lại rất cao.
- Đặc thù sinh lý của con xạ là chất thơm kết tụ từ rốn tới hai tuyến nang ở hạ bộ (cơ quan sinh dục) khi chưa lấy được xạ hương, mùi của nó rất tanh hôi, nhưng mùi thơm lại toát ra từ trong mùi hôi thối đó. Màu sắc của xạ hương, đỏ thẫm hơi vàng, trong đó những hạt nhỏ gọi là Đương môn tử, rất tốt.
Kiêng kỵ: Đàn bà có mang không nên đeo ở trong người. Đàn bà có mang và người dễ di tinh đều kiêng dùng.
Liều lượng: Uống trong từ 5 li đến 1 phân, dùng ngoài không quy định.
Bài thuốc ví dụ: Bài xạ hương hoàn (Nguyên hòa kỷ dụng kinh phương) chữa trẻ em bị cam gầy mòn, mặt vàng, tóc dựng đứng, biếng ăn, da nóng, sài giật động kinh, thấp ngược, sốt rét do thấp, chứng cam giun và cam lỵ.
Xạ hương, lô hội, hồ hoàng liên, các vị cùng tán nhỏ, trộn đều, rẩy nước làm viên như hạt gạo to, uống với nước nóng.
Tham khảo: Xạ hương dùng tương đối ít trong thuốc sắc, nói chung thường cho vào trong thuốc viên hoặc thuốc đan hoặc thuốc thổi và thuốc dùng ngoài.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam