Tên tiếng Hán:远志
Tên dùng trong đơn thuốc: Viễn chí, Viễn chí nhục, Trích viễn chí.
Phần cho vào thuốc: Rễ.
Bào chế: Bỏ lõi, sao lên dùng hoặc tẩm mật trích (sao) để dùng.
Tính vị quy kinh: Viễn chí vị đắng, tính ôn. Vào hai kinh tâm, thận.
Công dụng: ích trí an thần, tan uất tiêu đờm.
Chủ trị: Chữa mất ngủ hay quên, ho động kinh (kinh giản), lại có thể chữa được thất tình (bẩy tình cảm, hỷ, nộ, ưu, tư, bỉ, khủng, kinh) uất kết ở trong và chứng ung nhọt ở ngoài do đờm kết tụ.
Kiêng kỵ: Nếu kinh tâm có thực hỏa, phải cùng dùng với Hoàng liên.
Liều lượng: 8 phân đến 1,5 đồng cân.
Bài thuốc ví dụ: Bài Định chí hoàn (Thiên kim phượng) chữa các chứng thần chí không đủ, hồi hộp hay quên, nói năng xấc xược lung tung hay cười, phát cuồng, sắc dục tổn thương tiết tinh, và chỉ nhìn được gần (cận thị) chứ không nhìn được xa (viễn thị).
Viễn chí, Xương bồ, Nhân sâm, Phục linh, tần nhỏ trộn với mật làm Viên, ngoài bọc bột Chu sa, uống với nước sôi.
Tham khảo: Sở dĩ Viễn chí chữa được mất ngủ là vì lấy thận tàng chí, tâm thần không giao thì chí không định mà thần không yên. Viễn chí thông được thận khí lên tới tâm, khiến cho thủy ở trong thận lên giao tiếp với tâm, thành hiện tượng thủy hỏa ký tế (thủy hỏa giúp nhau). Còn chữa ho và ung nhọt là công năng lợi khiếu long đờm. Trước kia Viễn chí phần nhiều dùng làm thuốc an thần, gần đây phần nhiều dùng chữa ho nghịch lên, lấy đắng để tiết, lấy ôn để thông, có thể chữa chứng ho nghịch thuộc hàn ẩm.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam