Tên tiếng Hán: 鹿茸
Tên dùng trong đơn thuốc: Lộc nhung, Nhung hươu, Quan Lộc nhung, Hoàng mao nhung, Huyết nhung.
Phần cho vào thuốc: Sừng non chưa sừng hóa.
Bào chế: Đốt cháy lông tơ, lấy mảnh thủy tinh cạo sạch, rồi tẩm rượu nóng cho mềm thái phiến phơi khô để dùng, hoặc nướng ròn, và hấp rượu, sấy để dùng
Tính vị quy kinh: Vị ngọt, mặn, tính ôn. Vào kinh thận, kiêm vào ba kinh can, tâm, tâm bào.
Công dụng: Lộc nhung bổ tinh tủy, trợ chân dương của thận
Chủ trị: Chữa thận khí hư nhược, chóng mặt hoa mắt, lưng gối mỏi rời, liệt dương hoạt tính, đàn bà thì băng huyết, rong huyết, ra khí hư, hoặc nói chung các chứng hư tổn sau khi ốm dậy. Còn chữa mụn đậu mùa của trẻ em bị tẹt xuống , không mọc lên được,
Ứng dụng và phân biệt:
- Hươu sinh sản ở rất nhiều nơi, theo tài liệu cho biết, nói chung là từ vĩ tuyến 40 trở lên, khí hậu rét căm ca, thì nhung to khỏe, có lực; những vùng ở vĩ tuyến 3,5 độ nhiệt đới Nam dương, khí hậu tuyên phát, thì sức của nhung yếu mỏng. Sức của nhung dồn hết vào máu, lấy loại có màu tía như quả cà là tốt nhất. Nhưng nếu quá non thì khi huyết không đầy đủ, nếu cứng thì lại quá già, chỉ cần dài 4, 5 tấc, hình dáng chia nhánh như yên ngựa, đầu nhọn của nhung trông như hồng ngọc mã não, đem bẻ, hoặc cắt ra thì da như gỗ mục là tốt nhất. Tuy các nơi sản xuất ra hình dáng không giống nhau, nhưng đại khái là không ngoài tiêu chuẩn nói trên.
- Những loại thuốc trợ dương khác phần nhiều là táo (nóng) nhưng vị thuốc này mạnh mà không táo. Những vị thuốc hành khí khác phần nhiều là tán, vị thuốc này bốc lên nhưng không tán. Những vị thuốc hành huyết khác phần nhiều là công (mạnh), vị thuốc này bổ mà không công, là thứ huyết nhục hữu tình, dùng để chữa hư tổn gây mòn, hay hơn các thuốc khác.
- Toàn bộ tinh khí của hươu ở cả sừng, dưới gốc sừng liền với mạch đốc, sừng hươu là sừng lớn nhất trong các loài thú, như vậy có thể biết rằng mạnh đốc của hươu rất thính, cho nên có thể bổ được mạch đốc của cơ thể con người. Mạch đốc thông với thận, lại ích được thận. Trong sừng đều có Máu xuyên suốt, mạch sung là huyết hải (vì huyết hãi thường nói là mạch sung), nên có thể bổ dưỡng được mạch sung. Mạch đốc, mạch sung cả hai đều được bổ, như vậy là bổ cả khí và huyết. Sừng hươu tính ôn, nên càng trợ dương, là một vật gồm có mấy công năng đặc thù. Lộc nhung là sừng non mới mọc (nhú) của hươu, công hiệu bổ dương ích huyết rất lớn. Lộc giác (sừng hươu) là sừng già của hươu đã trưởng thành, bổ dương ích khí, bồi thêm tinh tủy, nhưng hơi kém hơn nhung. Lộc giác giao (cao sừng hươu) là sừng hươu cưa cắt thành tấc một, cho nước vào, nấu lên, cô lại nhỏ thành giọt tròn đông lại là được, là thuốc ôn bổ tính huyết. Lộc giác sương là cưa cắt sừng hưu thành tấc một, cho vào trong cái ang nhỏ, đổ rượu và nước vào lấy chậu đậy lại, trất bùn kín rồi đặt vào trong đống cám đốt lên để om, sừng sẽ mềm ra, lấy dao tre cạo sạch lớp sương tráng đọng lại ở trên miếng sừng. Tinh huyết bị thiếu mà có thể hấp thụ được chất béo bổ thì dùng cao, nếu chỉ có dương hư mà không hấp thụ được tư bổ thì dùng sương trắng: Gân hươu thì bổ gân cốt, ích khí lực. Thịt hươu chủ vẽ bổ trung, ôn khí huyết.
Kiêng kỵ: Người thận hư có hỏa không nên dùng. Người thượng tiêu có đờm nhiệt và trong vị có hỏa cũng chớ uống. Điều kiêng kỵ của lộc giác và lộc giác sương như nhau, duy chỉ có lộc giác giao càng phải kiêng kỵ đối với ngưồi ăn uống tiêu hóa không tốt.
Liều lượng:
- Lộc nhung không cho vào thuốc sắc, chỉ tán nhỏ hòa uống riêng từ ba phân đến một đồng cân.
- Lộc giác thì uống một đồng năm phân
- Lộc giác giao, lộc giác sương đều uống từ 1,5 đồng cân đến 3 đồng cân.
Bài thuốc ví dụ: Bài Ban long hoàn (Y phương tập giải phương) chữa hư tổn, điều trị bách bệnh, đẹp nhan sắc, tăng tuổi thọ.
Lộc giác giao, Lộc giác sương, Thục địa hoàng, Thỏ ty tử, Bá tử nhân, các vị cùng tán nhỏ, cho rượu vào ngâm cao cho chảy ra rồi trộn với thuốc làm viên, uống với rượu hâm nóng.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam