Tên tiếng Hán: 白术中药
Tên dùng trong đơn thuốc: Bạch truật, Sinh bạch truật, Sao bạch truật, Thổ sao bạch truật, Mễ cam thủy chế bạch truật (Bạch truật tẩm sao với nước vo gạo), Tiêu bạch truật (Bạch truật sao đen xém), Ứ tiềm truật, Dã ứ truật, Đông truật.
Phần cho vào thuốc: Củ.
Bào chế: Bỏ tạp chất, ngâm vào nước lã hoặc nước vo gạo, thái phiến phơi khô dùng sống hoặc sao với cám, hoặc sao với đất lòng bếp (phục long can – đất đào ở giữa ba ông đầu rau bếp) để dùng.
Tính vị quy kinh: Vị ngọt, đắng, tính hơi ôn. Vào hai kinh tỳ, vị.
Công dụng: Kiện tỳ táo thấp.
Chủ trị: Bạch truật chữa tỳ hư, ỉa chảy, vùng rốn, bụng phù thũng, tiêu bí đầy, an thai.
Ứng dụng và phân biệt: Vị thuốc này dùng sống thì kiện tỳ mà không táo, dùng sao thì sức làm táo thấp tăng lên, sao cháy xém dùng chữa tỳ thấp cổ hàn, sao với đất thì bổ tỳ chỉ tả (cầm ỉa chảy), còn chế với nước vo gạo để dùng có thể làm mất hết táo khí, thích hợp với thể tỳ hư can vượng. Cùng dùng với Chỉ thực thì tiêu được bí đầy, dùng với Hoàng cầm thì an thai.
Kiêng kỵ: Phàm huyết táo không có thấp tà, hoặc đi lỵ đại tiện bí thì kiêng dùng.
Liều lượng: 1,5 đồng cân đến 3 đồng cân.
Bài thuốc ví dụ: Bài Thất vị bạch truật tán (Tiền thị phương) chữa tỳ vị hư nhược lâu ngày, thường bị nôn mửa, ỉa chảy, tân dịch khô, phát nhiệt, khát nước, ăm kém. Bạch truật, Nhân sâm, Phục linh, Trích cam thảo, Hoắc hương, Cát căn, Mộc hương, các vị cùng tán nhỏ, uống với nước lã đun sôi.
Thảm khảo: Sách Bản thảo kinh và Biệt lục, đều gọi là Truật chứ không phân biệt Thương và Bạch, sách bản thảo về đời sau này mới chia ra làm hai loại: màu trắng gọi là Bạch truật, màu đỏ gọi là Thương truật (chữ Thương nghĩa là xanh thẫm, nhưng thực tế vị Thương truật không xanh N.D.). Lại còn gọi Bách truật thu hái về mùa đông là Đông truật. Nếu Bạch truật mọc hoang thì gọi là Ứ truật, rất tốt.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam
.