Tên tiếng Hán: 泽泻
Tên dùng trong đơn thuốc: Trạch tả, Phúc trạch tả, Sinh trạch tả, Sao trạch tả.
Phần cho vào thuốc: Củ.
Bào chế: Dùng nước lã ngâm, vớt ra để ngấm mềm đều, thái phiến phơi khô, dùng sống hoặc sao với nước muối.
Tính vị quy kinh: Trạch tả vị ngọt, mặn, tính hàn. Vào hai kinh thận, bàng quang.
Công dụng: Lợi tiểu tiện, thanh thấp nhiệt.
Chủ trị:
- Chữa nước uống vào đình trệ ở trong vị hoặc nước đình trệ ở bàng quang, tiểu tiện không lợi, thủy thũng (phù thũng), ỉa chảy.
- Thông đi đái nhắt, chữa tả, lỵ.
Ứng dụng và phân biệt:
- Bài Bát vị hoàn của Trọng Cảnh dùng Trạch tả là vì tiểu tiện không lợi nên mới đưa vào. Bài Lục vị hoàn về đời sau dùng Trạch tả là để có thể tả thận khiến cho bổ không thiên thắng thì Địa hoàng mới không đầy trệ, sức bổ thận càng lớn.
- Trạch tả có công năng tả tướng hỏa vì tướng hỏa vọng động nên sinh ra di tinh, có Trạch tả để thanh giải thì tinh tự giữ lại được.
Kiêng kỵ: Gan thận hư nhược mà không thuộc thấp, không thuộc thủy ẩm thì cấm dùng.
Liều lượng: Hai đồng cân đến bốn đồng cân
Bài thuốc ví dụ: Bài Ngũ linh tán (Bài thuốc trong Thương hàn luận) chữa bệnh thuộc kinh Thái dương, biểu và lý chưa giải được, nhức đầu sốt nóng, miệng ráo, họng khô, buồn bực, khát nước, uống nước vào nôn ra ngay, tiểu tiện không lợi.
Trạch tả, Trư linh, Phục linh, Bạch truật, Quế. Năm vị tán nhỏ hòa với nước sôi, phần nhiều uống với nước nóng.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam