Tên tiếng Hán: 青黛中药材
Tên dùng trong đơn thuốc: Thanh đại, Phi thanh đại, Trần thanh đại (Thanh đại để lâu), Phiếu thanh đại (Thanh đại đãi lọc trong), Điện hoa (hoa chàm – chất chàm nổi trên mặt nước).
Bào chế: Cho lá cây chàm vào trong chiếc vại, ngâm nước cho đến khi lá nẫu nát, vớt bỏ bã lá, cho vôi cục vào quấy đều, lầy bọt chàm nổi trên mặt, phơi khô trong râm tức là Thanh đại, nghiền nhỏ để dùng.
Tính vị quy kinh: Thanh đại vị mặn, đắng, tính hàn. Vào hai kinh can, phế.
Công dụng: Tả can, tán uất hỏa, thanh nhiệt, chữa ung nhọt.
Chủ trị:
- Chữa ban chẩn, ôn dịch, trẻ em kinh giản cam nhiệt và miệng lưỡi mọc mụn, lở loét.
- Đắp bên ngoài tiêu sưng nóng đỏ đau ở má và côn trùng, rắn cắn bị thương.
Ứng dụng và phân biệt: Thanh đại là lấy bọt nổi ở trên của lá chàm, gọi là “Điện hoa”. Chàm lắng đọng ở đáy vai, có khác nhau về trong đục. Cổ phương phần nhiều dùng Thanh đại làm thuốc uống trong, song cũng nên đáp ngoài để chữa ung nhọt sưng nóng đỏ đau thuộc ngoại khoa.
Kiêng kỵ: Nếu người hư nhiệt mà không phải thực nhiệt, nhất thiết không được dùng.
Liều lượng: Uống trong từ năm phân đến một đồng cân. Đắp ngoài từ một đến hai lạng, trộn với nước lã để bôi.
Bài thuốc ví dụ: Bài Thanh đại tán (Thẩm thị phương) chữa lưỡi sưng dầy (Trùng thiệt), họng mọc mụn.
Thanh đại, Nha tiêu, Chu sa, Hoàng liên, Hoàng bá, Hùng hoàng, Ngưu hoàng, Bằng sa, Băng phiến, các vị trên cùng tán thật mịn, thổi vào chỗ họng đau của người bệnh.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam