Tên tiếng Hán : 升麻
Tên dùng trong đơn thuốc: Thăng ma, lục Thăng ma, hoa Thăng ma, mật chích Thăng ma, Thăng ma thán.
Phần cho vào thuốc: Rễ củ.
Bào chế: Chọn sạch tạp chất, rửa sạch, ngâm qua, sau khi mềm đều thái phiến phơi khô.
Tính vị quy kinh: Vị ngọt, đắng, tính hơi hàn. Vào bốn kinh tỳ, vị, phế, đại tràng.
Công dụng: Thăng đề khí hãm ở dưới, chữa dịch độc khí hậu của thời tiết, thúc cho sởi mọc hết.
Chủ trị:
- Vị thuốc Thăng ma chữa các chứng bụng dưới nặng căng do khí hãm gây nên, ỉa chảy, đi lỵ thuộc chứng hư, đi đại tiện bị lòi dom và phụ nữ bị ra khí hư băng huyết, sa cổ tử cung.
- Đau họng do khí địch lệ (khí độc) của thời tiết gây nên và đau ở đỉnh đầu do phong tà.
- Sởi sắp mọc, mọc không, rõ hoặc mọc ít, đều nên dùng.
Ứng dụng và phân biệt:
- Thăng ma và Cát căn đều cố thể tán tà khí ở vùng cơ tấu (cơ bắp tấu lý) Dương minh, song Cát căn đi ngang đạt tới tà khí, còn Thăng ma đi lên thấu suốt tới tà khí.
- Thăng ma và Sài hồ đều đi lên nhẹ nhàng, tác dụng gần giống nhau, thường cùng dùng hỗ trợ cho nhau. Nhưng Sài hồ thì tuyên thống phát tán tà khí ở Thiếu dương bán biểu bán lý, sơ giải ức chế ở can đởm. Thăng ma thì tuyên thông phát tin tà khí ở Dương minh cơ tấu, thăng đề khí hãm của tỳ vị (Thường gọi là tỳ hư hạ hãm).
- Vị thuốc này nếu dùng để giải biểu thấu tà thì nên dùng sống, nếu dùng để thăng đề khí hãm thì nên chích.
Kiêng kỵ: Các chứng trên thịnh dưới hư, âm hư hỏa vượng, thổ huyết, đổ máu cam (chảy máu mũi), khí nghịch nôn ọe và điên cuồng, đều kiêng dùng.
Liều lượng: 5 phân đến 1 đồng cân.
Bài thuốc ví dụ: Thăng ma cát căn thang (Tiền ất phương) chữa Dương minh biểu nhiệt đi kiết lỵ kiêm chữa đậu sởi mới bắt đầu mọc.
Thăng ma, Cát căn, Thược dược, chích Cam thảo, Sinh khương, cho nước vào sắc lên, uống làm hai lần.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam