Vị thuốc TANG DIỆP (LÁ DÂU)

Tên tiếng Hán: 桑叶中药

Tên dùng trong đơn thuốc:

Tang diệp, Sương tang diệp, Đông tang diệp, Tiên tang diệp, Khô tang diệp, Đồng tang diệp (lá dâu, lá dâu sương, lá dâu mùa đông, lá dâu tươi, lá dâu khô, lá dâu non).

Phần cho vào thuốc: Lá cây dâu, cành dâu và quả dâu cũng có thể dùng làm thuốc.

Bào chế: Chọn sạch tạp chất, bỏ cành, vò nát dùng.

Tính vị quy kinh: Vị đắng, tính hàn, Vào hai kinh can, phế.

Công dụng: Tán phong nhiệt, trừ can phong, thanh phế táo.

Chủ trị:

  • Vị thuốc Tang diệp chữa các chứng thương phong cảm mạo, sốt nóng, nhức đầu, chóng mặt do ngoại cảm phong nhiệt gây nên đều có thể dùng được.
  • Các chứng mắt đỏ, đau mắt, nhức đầu chóng mặt do uất nhiệt ở can sinh ra.
  • Ho hoặc ho khan do táo khí mùa Thu xâm phạm vào phế, phế khí không giáng (đi xuống). Tóm lại ho khan do phong táo, phong nhiệt đều có thể dùng được.

Ứng dụng và phân biệt:

  • Tang diệp thường dùng cùng với Cúc hoa, như bài Tang cúc ẩm. Nhưng sức giải biểu của Tang diệp mạnh hơn, sức thanh can của Cúc hoa hay hơn.
  • Hàn khí trở trệ ở cơ biểu, khí không vận hóa được, nên dùng Quế chi để tuyên thông. Nhiệt ủng tắc ở cơ biểu, khí không vận hóa được nên dùng Tang diệp để tán.
  • Người bị ôn bệnh ở thượng tiêu, sốt nóng, đầu nóng, nặng, dùng Tang diệp, Cúc hoa, gọi là bài “Tang cúc ẩm”.
  • Tang diệp và Bạc hà đều là thuốc phát tán phong nhiệt ở trên đầu, nhưng sức Tang diệp yếu hơn Bạc hà.
  • Tang diệp là lá cây dâu, chủ yếu thanh phong nhiệt thiên về đầu, mắt. Tang chi là cành cây dâu, chủ yếu thông suốt tới tứ chi. Tang bạch bì là lớp vỏ trong màu trắng rễ non cây dâu, chủ yếu tả hỏa ở phế, thông thủy đạo. Tang thầm là quả dâu, chủ yếu bổ thận âm. Tang ký sinh là vật sống nhờ (tầm gửi) trên cây dâu, chủ yếu về an thai và chữa đau lưng.

Kiêng kỵ: Phong hàn ở biểu, hoặc hỏa suy khí nhược, người bị bệnh phổi hư hàn, chớ dùng.

Liều lượng: 1 đồng 5 phân đến 3 đồng cân.

Bài thuốc ví dụ: Bài Tang cúc ẩm (ôn bệnh điều biện phương). Chữa phong ôn ở phế, sốt nóng, ho.

Tang diệp, Cúc hoa, Hạnh nhân, Liên kiều, khổ Cát cánh, Cam thảo, Bạc hà, Vĩ căn, cho nước vào sắc, ngày uống hai lần.

 

Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y

Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa

Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng

Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang

Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam

Leave a Reply