Tên tiếng Hán: 梔子
Tên dùng trong đơn thuốc: Chi tử, Sơn chi, Sao chi bì (vỏ quả sơn chi), Sơn chi nhân (nhân sơn chi), Sơn chi than (sơn chi sao cháy thành than), Chi tử sao nước gừng.
Phần cho vào thuốc: Quả.
Bào chế: Rửa sạch có thể dùng sống, có thể dùng sao, hoặc bóc vỏ đi mà dùng, hoặc chỉ dùng vỏ không thôi.
Tính vị quy kinh: Chi tử vị đắng, tính hàn. Vào ba kinh tâm, phế, vị.
Công dụng: Thanh tà nhiệt ở thượng tiêu tâm, phế, thanh uất nhiệt ở phần huyết.
Chủ trị: Chữa tâm phiền buồn bực bứt rứt, mình nóng mắt đỏ, và các chứng nôn ra máu, đổ máu cam.
Ứng dụng và phân biệt: Chi tử dùng sống cả vỏ chữa bệnh ở thượng tiêu, bỏ vỏ sao lên dùng có thể chữa bệnh ở hạ tiêu, dùng vỏ có thể trừ được nhiệt ở cơ biểu, và chữa đại tiện đi hơi lỏng. Chữa bệnh thuộc phần khí dùng Sơn chi sống, chữa bệnh ở phần huyết thì dùng Sơn chi sao đen. Sơn chi thán (sơn chi sao cháy thành than) thiên về cầm nôn ra máu, Chi tử sao với nước gừng thiên về cầm nôn thuộc nhiệt.
Kiêng kỵ: Người bị tỳ vị hư hàn không có thấp nhiệt và uất hỏa thì kiêng dùng.
Liều lượng: Một đồng cân đến ba đồng cân.
Bài thuốc ví dụ: Bài Chi tử xị thang (Thương hàn luận phương) chữa chứng thương hàn sau khi đã cho phát hãn, thổ, và hạ, trong bụng buồn bực, bứt rứt, không sao ngủ được.
Chi tử, Hương xị, sắc trước Chi tử rồi cho Hương xị vào sắc tiếp, bỏ bã, uống ấm.
Tham khảo: Sách Thương hàn luận nói: “Nếu dùng bài “Chỉ tử thang”, mà người bệnh trước đó đi hơi lỏng phân thì không thể cho uống được”. Đây là nói về Sơn chi nhân (nhân sơn chi), có thể thay bằng vỏ quả Chi tử.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam