Tên tiếng Hán: 柏子仁
Tên dùng trong đơn thuốc: Bá tử nhân, Trắc bá (bách) tử nhân, Bá thực, Bá tử nhân trộn Chu sa.
Phần cho vào thuốc: Nhân của quả trắc bá.
Bào chế: Bỏ vỏ đồng thời giã bỏ vỏ ngoài, sao tán bỏ dầu.
Tính vị quy kinh: Vị ngọt, tính bình. Vào hai kinh tâm, tỳ.
Công dụng: An thần, nhuận tràng.
Chủ trị: Bá tử nhân chữa mất ngủ hồi hộp, đại tiện táo bón
Ứng dụng và phân biệt:
- Mất ngủ thuộc về can đởm hư thì dùng Toan táo nhân, mất ngủ thuộc về tâm huyết hư thì dùng Bá tử nhân. Về Toan táo nhân lấy vị chua dùng để chữa bệnh, vì chua hay liễm can mà bổ can. Bá tử nhân mang nhiều chất nhờn tư bổ, dưỡng được tâm mà bổ tâm.
- Đại tiện táo bón (bí kết) có chia ra hai loại thực và hư: Táo bón thực nên tả, phải dùng đại hoàng, nguyên (huyền) minh phấn. Táo bón hư nên nhuận, Bá tử nhân là vị thuốc có thể dùng được, nhất là đối với người già bị táo bón, chất nhờn trong ruột thiếu mà dùng vị thuốc này thì rất hợp.
Kiêng kỵ: Vị thuốc này nhiều dầu, người đi phân lỏng và có đờm thì kiêng dùng.
Liều lượng: Một đồng cân đến ba đồng cân.
Bài thuốc ví dụ: Bài Bá tử dưỡng tâm hoàn (Thể nhân hội biên phương) chữa phòng dục quá độ thành lao, tâm huyết hư tổn, tinh thần hoảng hốt, đêm ngủ nhiều quái mộng. Trống ngực đập nhanh hồi hộp, hay quên, di hoạt tinh (tinh dễ ra).
Bá tử nhân, Câu kỷ tử, Mạch đông, Đương quy, Phục thần, Thạch xương bồ, Huyền sâm, Thục địa, Cam thảo, các vị cùng tán nhỏ, trộn đều, luyện với mật làm viên to như hạt ngô, uống với nước đăng tâm thảo (cỏ bấc đèn) vào sáng sớm và buổi tối.
Tham khảo: Bá tử nhân là quả của cây Trắc bách (bá) diệp, nhân màu vàng trông như hạt gạo, tính bình, không hàn, không táo, thực là vị thuốc tư bổ dưỡng tâm.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam