Tên tiếng Hán: 側柏葉
Tên dùng trong đơn thuốc: Trắc bách diệp, Bách diệp, Trắc bách thán (Trắc bách diệp sao cháy thành than), Biển bách diệp (lá Trắc bách loại dẹt).
Phần cho vào thuốc: Lá.
Bào chế: Dùng sống hoặc sao cháy thành than dùng. Nếu bị bỏng, giã nát ra, hòa với nước bôi hay đắp vào.
Tính vị quy kinh: Trắc bách diệp vị đắng chát, tính hơi hàn. Vào ba kinh: phế, can, đại tràng.
Công dụng: Lương huyết chỉ huyết (mát máu, cầm máu), thanh thấp nhiệt ở phần huyết.
Chủ trị: Chữa các chứng thổ huyết, đổ máu cam, băng lậu huyết, mụn trĩ do tràng phong gây ra, và đi đái buốt ra máu, đại tiện ra máu.
Ứng dụng và phân biệt:
- Trắc bách diệp dùng sống, chuyên về lương huyết và chỉ huyết nhiệt đi bừa. Nếu sao cháy thành than thi có thể chỉ huyết.
- Trong bài thuốc chỉ huyết, bất luận thổ huyết do hàn hay nhiệt, đều có thể dùng thêm Trắc bách diệp. Chữa thổ huyết, do hàn gây ra thì cũng dùng với can Khương, như bài Bách diệp thang trong sách Kim Quỹ. Nếu chữa thổ huyết do nhiệt gây ra, thì cũng dùng với Sinh địa như bài Tứ sinh ẩm trong sách Loại phương.
Kiêng kỵ: Nếu không thuộc huyết chứng thì phải thận trọng khi sử dụng.
Liều lượng: Hai đồng cân đến ba đồng cân.
Bài thuốc ví dụ: Bài Bách diệp thang (Kim Quỹ yếu lược phương) chữa thổ huyết không cầm được.
Bách diệp, Can khương, Ngải diệp, cho nước vào sắc lên, cho thêm một chén nước đái ngựa cùng sắc với thuốc, chia ra uống ấm, làm mấy lần.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam