Tên tiếng Hán: 南星 中药材
Tên dùng trong đơn thuốc: Thiên nam tinh, Sinh nam tinh, Chế đởm tinh, Trần đởm tinh, Đởm nam tinh, Trần đởm nam tinh.
Phần cho vào thuốc: Củ.
Bào chế: Phải cho Sinh nam tinh (củ sống) vào ngâm với nước Phèn chua. Chế nam tinh là rải từng lớp Sinh nam tinh vào trong nồi chõ hấp, mỗi lớp lại rải một lượt gừng củ thái lát, hấp chín cho đến khi giữa củ nam tinh không còn nốt trắng nữa là được, rồi thái phiến phơi khô ở trong râm (âm can).
Đởm nam tinh là tán nhỏ Sinh nam tinh, trộn với nước mật bò rồi phơi khô ra gió là được.
Tính vị quy kinh: Nam tinh vị đắng, tính ôn. Vào ba kinh: phế, can, tỳ.
Công dụng: Sinh nam tinh chuyên chữa về phong đàm (đờm thuộc phong) ở kinh lạc. Đởm nam tinh chuyên chữa về nhiệt đàm (đờm thuộc nhiệt) ở tâm bào.
Chủ trị: Chữa người lớn trúng phong choang váng, miệng mắt méo xệch, nói ngọng (ngọng lưỡi). Trẻ em kinh giản hôn mê, thần chí không tỉnh táo, rêu lưỡi vàng, mạch sác, do phong đàm, hoặc đàm nhiệt gây nên.
Ứng dụng và phân biệt: Vị Bán hạ hóa được thấp đàm ở tràng vị, thiên về chống nôn. Vị nam tinh hóa được phong đàm ở kinh lạc, thiên về chữa trúng phong. Nhưng vị Nam tinh đã qua khâu chế mật (mật bò), thì ôn tính đã giảm thấp, lại tẩy được nhiệt đàm, khai thông khiếu, tỉnh táo tinh thần.
Kiêng kỵ: Nếu người bị âm hư cổ táo đàm (đờm ráo – nóng) thi cấm dùng Thiên nam tinh (không kể Đởm nam tinh).
Liều lượng: 8 phân đến 1 đồng 5 phân.
Bài thuốc ví dụ: Bài Tam sinh ẩm (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương) chữa trúng cảm đột ngột, hôn mê bất tỉnh nhân sự, miệng mắt méo xệch, tê liệt nửa người (bán thân bất toại) đồng thời chữa đàm quyết, khí quyết.
Sinh nam tinh, Sinh xuyên ô, Sinh phụ tử, Mộc hương, cùng tán nhỏ, mỗi lần uống cho thuốc vào nước sắclên, sau đó bỏ bã, uống ấm.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam