Vị thuốc TỀ NI

Tên dùng trong đơn thuốc: Tề ni, Điềm cát cánh (Cát cánh ngọt).

Phần cho vào thuốc: củ (rễ).

Bào chế: Lấy củ (rễ) rửa sạch thái phiến dùng.

Tính vị quy kinh: Tề ni vị ngọt, tính hàn. Vào kinh phế.

Công dụng: Lợi phế khí, giải trừ được độc của thuốc.

Chủ trị:

  • Chữa ho do hỏa trong phế vượng, lại còn dẫn được thuốc đi lên.
  • Giải được chất độc của thuốc thuộc các loại kim, thạch, thảo, mộc, cùng với độc của nhọt độc, nhọt đầu đanh sưng to và của chim muông, đều có thể uống được.

Ứng dụng và phân biệt:

  1.  Mầm nhánh cũng giống như Nhân sâm, nhưng thể rỗng không có lõi ruột, củ giống như Cát cánh, nhưng vị ngọt không đắng.
  2.  Hiệu lực tuyên thông phế khí của vị thuốc này không bằng Cát cánh, giải độc cũng không bằng Cam thảo.

Kiêng kỵ: Người thuộc dương hư thể thực (sách in là thể thực) không được dùng.

Liều lượng: Từ tám phân đến một đồng cân năm phân (một đồng cân rưỡi = 5 gam).

Bài thuốc ví dụ: Tề ny thang (Chứng trị chuẩn thằng) chữa chất độc của khoáng thạch phát sinh đột nhiên, run cầm cập như người bị lạnh, hoặc ăn uống được hoặc không, nóng sốt li bì, nằm ngồi mệt lả.

Tề ny, Phục linh, Hoàng cầm, Thược dược, Cam thảo, Màn thanh tử, Thanh đại, Nhân sâm, cho nước vào sắc, bỏ bã, chia làm ba lần uống.

 

Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y

Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa

Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng

Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang

Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam

Leave a Reply