Tên tiếng Hán: 蓽茇
Tên dùng trong đơn thuốc: Tất bát.
Phần cho vào thuốc: Quả
Bào chế: Bỏ cuống dùng đầu, ngâm dấm một đêm sấy khô dùng.
Tính vị quy kinh: Tất bát vị cay, tính đại ôn. Vào hai kinh vị, đại tràng.
Công dụng: Ôn hàn khí ở tràng vị, tán nhiệt bốc lên thượng tiêu.
Chủ trị:
- Chống đau lạnh ở vị quản, chữa chứng thủy ẩm nôn ọe.
- Các chứng đau răng, nhức đầu, đầu phong, thuộc về thấp hỏa kinh Dương minh, đều có thể dùng với liều lượng ít hơn, nhẹ hơn, áp dụng phương pháp tòng trị để dẫn thuốc.
Ứng dụng và phân biệt:
- Tất bát ôn hàn khỏi đau, thiên về tràng vị. Cao lương khương (củ Riềng) ôn hàn khỏi đau nhưng thiên về vị quản.
- Tất bát tán hàn tà ở tràng vị, thơm hắc tính mạnh, đi mà không giữ, chữa chứng đau có tính chất di động. Nhục đậu khấu cũng tán hàn tà ở tràng vị, hương thơm nhưng không mãnh liệt tính hòa bình hơn Tất bát, giữ lại mà không đi, có thể chữa chứng đau có tính chất cố định. Nếu khi uống Tất bát có phản ứng thì có thể uống nhục đậu khấu.
Kiêng kỵ: Nếu phế, tỳ có thực nhiệt uất hỏa và tràng vị táo nhiệt gây đau thì cấm dùng.
Liều lượng:Nám phân đến một đồng cân
Bài thuốc: Bài Dĩ hàn hoàn (hòa tễ cục phương) chữa đi ỉa chảy dữ đội mình lạnh, ra mồ hôi, thậm chí muốn nôn, tiểu tiện trong, mạch vi nhược.
Tất bát, Nhục quế, Cao lương khương, Can khương, tán bột, luyện với hồ làm viên như hạt ngô, mỗi lần uống với nước gừng làm thang.
Tham khảo: Chữa mụn nhọt do lạnh cóng máu tụ lại gây nên (đông sang) chưa vỡ mủ, lấy hai đồng cân Tất bát, cho nước vào sắc lên lấy nước rửa có hiệu quả.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam