Tên tiếng Hán: 黃芩
Tên dùng trong đơn thuốc: Hoàng cầm, Sao hoàng cầm, Khô cầm, Phiến cầm, Đạm hoàng cầm, Điều cầm, Tử cầm, Đạm tử cầm, Tửu hoàng cầm, Tửu sao hoàng cầm (hoàng cầm sao với rượu)
Phần cho vào thuốc: Rễ.
Bào chế: Rửa sạch thái phiến dùng sống. Chữa ở trên thì sao rượu dùng, tả hỏa ở can, đởm thì sao với nước mật lợn.
Tính vị quy kinh: Hoàng cầm vị đắng, tính hàn vào sáu kinh: tâm, phế, can, đởm, đại tràng, tiểu tràng.
Công dụng: Tả phế hỏa ở thượng tiêu, thanh thấp nhiệt ở trong ruột.
Chủ trị:
1- Chữa ho do phế nhiệt, lại có thể an thai.
2- Chữa đi ỉa chảy, lỵ đau bụng và hoàng đảm (vàng da) hoặc những bệnh nhiệt khác.
3- Chữa ung nhọt đầu đanh sưng tấy và mát đỏ, sưng đau.
Ứng dụng và phân biệt: Rễ già của cây Hoàng cầm trong rỗng và khô gọi là Khô cầm hoặc Phiến cầm, thể chất nhẹ, đi lên,chuyên tả hỏa ở thượng tiêu chủ yếu chữa đờm nhiệt ở vùng ngực ức, ho suyễn vàng da. Rễ Hoàng cầm còn tươi mới đào, thì bên trong rắn chắc gọi là Tử cầm hoặc Điều cầm, thể chất nặng chủ đi xuống, chuyên tả hỏa ở hạ tiêu đại tràng, chủ yếu chữa bụng dưới căng trướng, đạitiện ra máu tươi, đi lị.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn và không có thấp nhiệt thực hỏa thì chớ dùng.
Liều lượng: Một đồng cân năm phân đến ba đồng cân.
Bài thuốc ví dụ: Bài Hoàng cầm thang (Thương hàn luận phương) chữa Thái dương với Thiếu dương hợp bệnh, đi lị. Hoàng cầm, Cam thảo, Thược dược, Đại táo. Bốn vị trên cho nước vào sắc, bỏ bã, chia ra uống ấm (Trong sách Thương hàn luận kim thích của Lục uyên Lôi ghi: Thái dương với thiếu dương hợp bệnh, tự hạ lợi (đi ỉa chảy). Nhưng ở đây tác giả ghi là hạ lị. Ở đây có 2 cách tham khảo: a)Nếu chỉ nói hạ lị thì thiếu một vế hạ lợi mặc dù đều thuộc nhiệt, b) Chữ lợi và chữ lỵ đọc âm Trụng Quốc cũng đều đồng âm Bác kính đọc là li, Quảng đông đọc là lì. Vậy chúng tôi xin nêu để bạn đọc tham khảo. N.D.)
Tham khảo: Hoàng Cầm, Hoàng liên, Hoàng bá tuy cùng là vị đắng, tính hàn, màu vàng, song cáí vị đắng của Hoàng cầm mỏng manh hơn, tính hàn nhẹ hơn, công dụng trừ nhiệt cũng kém hơn Hoàng liên, Hoàng bá.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam