Tên tiếng Hán: 白薇
Tên dùng trong đơn thuốc: Bạch vi, Nôn bạch vi (bạch vi non), Bạch vi căn (rễ bạch vi).
Phần cho vào thuốc: Rễ.
Bào chế: Bỏ râu, rửa rượu, thái nhỏ dùng.
Tính vị quy kinh: Bạch vi vị đắng, mặn,tính hàn. Vào kinh vị.
Công dụng: Thanh giải nhiệt tà ở phần huyết.
Chủ trị: Đối với nhiệt nung nấu thuộc ôn tà, lưỡi đỏ mình nóng, âm hư phát nhiệt (gan bàn tay càng nóng hơn) cùng với huyết nhiệt, nóng trong xương và hư nhiệt không rõ nguyên nhân thì đều có hiệu quả.
Ứng dụng và phân biệt: Đan bì, Bạch vi đều là loại thanh huyết nhiệt. Bạch vi tuy đắng mặn song lại chuyên về thanh giải. Có thể thấu đạt các ôn bệnh, thời tà (nhiệt truyền vào phân dinh mà phát nhiệt về chiều là tà khí thịnh), làm cho tà từ trong ra ngoài. Đan bì tuy có cái hay là hoạt huyết tán ứ, nhưng chỉ thanh huyết nhiệt ở trong chứ không đi tới huyết nhiệt ở ngoài.
Kiêng ky: Nếu phần huyết không có nhiệt, hoặc nhiệt ở phần khí thì cấm dùng.
Liều lượng: Một đồng cân rưỡi đến ba đồngcân.
Bài thuốc ví dụ: Bài Bạch vi tán (Thẩm thị tôn sinh phương) chữa đàn bà sau khi sinh nở bị uất mạo (uất mạo là do uất kết choáng váng, nặng thì ngất xỉu đột ngột, song lại tịnh ngay. Có thể do huyết hư mà mất tân dịch hoặc can khí uất kết, tà từ ngoài trở ngại gây nên. Sách: Kim Quỹ có nói: “Đàn bà mới đẻ, … mất máu lại cho ra mồ hôi,rét nhiều, nên làm cho uất mạo.”N.D)
Bạch vi, Đương quy, Nhân sâm, Cam thảo, tất cả cùng tản nhỏ, cho nước vào sắc lên, uống ấm.
Theo: Đông dược thiết yếu – Viện Nghiên Cứu Trung Y
Bộ Y tế nước Công hòa Nhân Dân Trung Hoa
Người dịch : Lương y Trần Văn Quảng
Hiệu đính : Lương y Vũ Xuân Quang
Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam